THÔNG TIN DU LỊCH MIỀN TÂY

CHỢ NỔI CÁI RĂNG

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ hoạt động tấp nập từ tờ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn nhỏ. Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là "cây bẹo".




Chợ nổi Cái Răng vẫn luôn là điểm đến không thể thiếu trong chuyến đi về Miền Tây


Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Campuchia và Trung Quốc. Lại cũng có những chiếc ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo và nhu yếu phẩm. Ai bán gì thì treo thứ ấy lên ngọn sào cắm ở mũi thuyền, khách mua hàng từ xa trông thấy sẽ bơi xuồng đến hỏi. Ngày nay, do nhu cầu của người đi chợ, các loại hình dịch vụ khác như: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… cũng ra đời. Những chiếc xuồng này sẵn sàng len lỏi khắp nơi để phục vụ khách đi chợ một cách tận tình, chu đáo. Đứng trên cầu Cái Răng nhìn xuống sông, chợ Cái Răng nhóm họp dài hơn nửa cây số, có chỗ trải ra gần hết mặt sông, trông như những mâm hoa trái khổng lồ đủ các sắc màu rực rỡ.

RỪNG TRÀM TRÀ SƯ - AN GIANG

Trà Sư (An Giang) mang một cảnh sắc yên bình của miền sông nước. Du khách được đi xuồng ba lá, dọc hai bên là rừng tràm, các loài động thực vật theo mùa. Giữa bầu trời xanh ngọc, rừng tràm và những mảng bèo xanh kín mang lại cho du khách cảm giác mát mẻ, hòa mình vào thiên nhiên. Với vẻ đẹp dung dị và hài hòa, Trà Sư trở thành khung cảnh điển hình vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ.


Vào tháng 9, tháng 10, mùa nước nổi, mùa của chim trời, cá nước, bạn sẽ bị cuốn hút vào vẻ đẹp của thiên nhiên và cả về ẩm thực nơi đây. Nếu muốn thấy hết được màu xanh nơi đây, du khách đến rừng lúc sáng sớm, để những mảng bèo không bị những chiếc thuyền len lỏi đẩy.



Vào rừng Trà Sư cảm giác như đang đi trên một tấm thảm dày màu xanh


Buổi sáng cũng là thời điểm Trà Sư đẹp nhất. Trà Sư là nơi sinh sống của hơn 70 loài chim tiêu biểu cho vùng ngập mặn và cùng các hệ sinh thái khác, trong đó có các loài quý hiếm: cò Ấn Độ, điêng điểng, cá trê trắng, sếu…Vào mùa nước nổi, du khách sẽ được biết thêm về loài thực vật mới - đặc sản ở miền Tây: hoa điên điển. Hoa này chỉ có vào mùa nước nổi cùng với cá linh. Hoa không chỉ để ngắm với sắc vàng rực rỡ cạnh bờ sông, mà còn làm nên ẩm thực đặc trưng cho Nam Bộ.

MIẾU BÀ CHÚA XỨ


Từ trước đến nay miếu vẫn ở chỗ cũ và đã được sửa chữa 2 lần. Lúc đầu miếu được cất bằng tre lá, đến năm 1962, miếu được sửa lại bằng đá ngói âm dương, đến năm 1972 ngôi miếu được phá xây lại trừ tấm vách đá sau lưng Bà. Lần sửa chữa này do ý kiến của ông Nguyễn Văn Ưứng, hội trưởng Hội cứu tế đề nghị và được tập thể Hội tán thành. Đến năm 1976, miếu mới thực sự được xây dựng xong.



Miếu Bà Chúa Xứ có kiến trúc theo kiểu chữ Quốc

Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ Quốc, xây bằng gạch có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh, bên trong miếu còn giữ lại tấm vách đá dài 10m là bệ miếu cũ. Nhà để tượng cũng 4 mái hình vuông, ngay chính diện lát bằng gạch đá xanh theo lời ông hội trưởng thì vách 2 bên được xây bằng đá cẩm thạch nhập ở Yý, Nhật, Đài Loan do kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng thiết kế xây dựng.

Hàng năm vào các ngày 25, 26, 27 tháng 4 âm lịch, nhân dân các tỉnh phía Nam cùng nhân dân địa phương nô nức đến lễ ở miếu Bà. Trong ngày lễ còn có múa bóng, hát bội... Đêm ngày 23, mọi người đã tập trung về chùa để xem lễ tắm Bà. Tượng Bà được mang xuống, cởi áo ra, lấy nước mưa pha với nước hoa để tắm phong tục này đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Zalo
Facebook
Hotline: 0936.191.192